Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Nông dân lao đao vì trời ấm

Nông dân lao đao vì trời ấm
Năm nay, thời tiết vụ đông xuân ấm hơn mọi năm đã ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Năng suất giảm
Để cây vải có thể phân hóa mầm hoa thuận lợi thì phải đủ số giờ lạnh dưới 15 độ C. Từ đầu mùa đông đến nay, nền nhiệt luôn ở mức cao, người trồng vải ở huyện Thanh Hà không khỏi lo lắng. Bà Quách Thị Thưởng ở xã Thanh Xá than thở: "Tôi luôn bám sát thời tiết để lựa chọn kỹ thuật chăm sóc vải cho hợp lý vậy mà vẫn không ăn thua. Xử lý hết đợt lộc đông này thì đợt lộc khác lại nhú ra. Nếu thời tiết ấm nóng cứ kéo dài thì vụ vải năm nay rất dễ mất mùa". Để khắc phục tình trạng vải ra lộc đông, nông dân Thanh Hà thực hiện nhiều biện pháp thủ công, hóa học để diệt lộc. Mặc dù vậy, nếu thời gian tới nhiệt độ không xuống thấp thì vải cũng khó ra hoa.

Xem thêm: sua tu lanh hitachi , sua cua cuon , bảo hành tủ lạnh samsung
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương đã có nhiều đổi mới

Người dân Kinh Môn cũng đứng ngồi không yên vì thời tiết gây nhiều bất lợi cho hành, tỏi đang trong giai đoạn xuống củ. Theo kinh nghiệm của bà Lương Thị Hiên ở xã Quang Trung, trời hanh, khô và lạnh về đêm thì hành, tỏi mới đẫy củ, năng suất cao. Năm nay, trời nóng ấm, gió đông nhiều nên hành, tỏi kém phát triển, lá lụi dần còn củ thì xuống chậm. Do sáng sớm có sương mù, sâu bệnh phát sinh nhiều, nông dân phải thường xuyên phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ các loại dịch bệnh như héo rũ, sương mai, dòi hại lá... "Thời tiết bất thuận không chỉ khiến chúng tôi mất công, mất sức mà còn tốn thêm chi phí sản xuất do sâu bệnh gây hại mạnh. Mặc dù vất vả là vậy nhưng ăn hay thua lại phụ thuộc vào thời tiết. Năm ngoái, năng suất hành, tỏi đã đạt thấp, nếu năm nay cũng vậy thì chúng tôi lỗ nặng", bà Hiên nói.

Nhiều cây trồng có thể "lỡ" Tết

Nhiều hộ trồng hoa trông mong bán hoa vào đúng dịp Tết để có giá cao. Tuy nhiên, với thời tiết như hiện nay thì hoa khó có thể nở đúng thời điểm. Gia đình ông Trần Văn Bích ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) trồng hơn 100 gốc đào và 1 sào hoa cúc. Lường trước diễn biến của thời tiết, ông Bích đã tuốt lá đào và xuống giống hoa muộn hơn 10 ngày so với mọi năm. Thay vì thắp đèn điện đêm, ông phải dùng lưới đen để hạn chế cây hấp thụ nhiệt. Đối với cây đào, ông khoanh gốc, chặt rễ làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng để cây không bật nụ sớm. Áp dụng mọi cách nhưng theo ông Bích, những ngày tới trời không rét, người trồng hoa sẽ thất thu.

Hiện nay, người trồng chuối ở thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận (Kinh Môn) đang phải thu hoạch chuối rải rác. Còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Đinh Dậu nhưng nhiều buồng chuối đã già, không kịp bán Tết. Nếu vào dịp Tết, một buồng chuối có thể bán với giá từ 500.000-700.000 đồng, thì hiện tại chỉ được 100.000-300.000 đồng.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, nhiệt độ trung bình trong tháng 12 năm nay của các khu vực trong tỉnh khoảng 21,3 độ C, cao hơn 3,4 độ C so với trung bình nhiều năm và 3,3 độ C so với cùng kỳ năm trước. Đây là nền nhiệt phù hợp cho nhiều loại cây phát triển nhưng lại cho thu hoạch không đúng thời điểm nên giá trị sản xuất không cao. Nhiều loại cây trồng đặc trưng của vụ đông như hành, tỏi, khoai tây... sẽ cho năng suất kém nếu như không có biện pháp ứng phó phù hợp. Theo bà Lương Thị Kiểm, Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù nền nhiệt vụ đông cao nhưng vẫn lạnh về đêm nên không ảnh hưởng nhiều tới các loại rau như su hào, cải bắp, cà rốt... Còn đối với lúa chiêm xuân, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo thì có thể sẽ bị thiệt hại lớn. Ở một số địa phương, nông dân vẫn giữ thói quen gieo mạ dược qua đông. Với điều kiện thời tiết này, mạ sẽ dễ bị già ống. Để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp do vụ đông xuân ấm, các cơ quan chuyên môn cần bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Người dân phải tuyệt đối tuân thủ lịch thời vụ, không phá vỡ cơ cấu giống.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện nay do hệ quả của quá trình ENSO đang ở pha trung tính, có xu hướng nghiêng về pha lạnh nên nhiệt độ của các khu vực trong tỉnh cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt rét đậm, rét hại khả năng tập trung vào tháng 1-2017, thời gian ảnh hưởng không kéo dài. Tổng lượng mưa trong vụ chiêm xuân 2017 ở mức xấp xỉ thấp hơn trung bình nhiều năm. Do lượng nước thượng nguồn đổ về các sông tiếp tục giảm và mưa ít nên các xã ở khu vực hạ lưu khu Nhị Chiểu (Kinh Môn); Thanh Cường, Thanh Hồng, Vĩnh Lập (Thanh Hà); Nguyên Giáp (Tứ Kỳ); Đại Đức, Đồng Gia, Tam Kỳ (Kim Thành) cần đề phòng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, thời kỳ xâm nhập mặn mạnh nhất vào tháng 2, tháng 3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét