Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Mặc dù đã có quy định cụ thể nhưng việc quản lý nuôi cá lồng

Mặc dù đã có quy định cụ thể nhưng việc quản lý nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh còn nhiều lỗ hổng khiến số lượng lồng cá tăng chóng mặt.
Điều này không chỉ phá vỡ quy hoạch nuôi cá lồng mà còn gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh...
Quản lý không thống nhất
Để được nuôi cá lồng trên các tuyến sông, người dân phải có đơn và được chính quyền địa phương đồng ý bằng văn bản; xin phép các đơn vị quản lý đê điều, đường sông... Sau khi hoàn thiện hồ sơ, người nuôi gửi lên Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) (NN-PTNT) để được cấp phép nuôi.


Theo thống kê, năm 2013, toàn tỉnh mới có 38 hộ nuôi tổng số 560 lồng cá, tổng thể tích lồng nuôi đạt 60.480 m3. Nhưng đến nay đã tăng lên 2.944 lồng với  tổng thể tích lồng nuôi 317.952 m3. Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh mới cấp phép cho 12 hộ nuôi cá lồng với 1.200 lồng nuôi.

Theo ông Nguyễn Tiến Bậc, Chi cục phó Chi cục Quản lý đê điều (Sở NN-PTNT), từ khi xuất hiện mô hình nuôi cá lồng đến nay, đơn vị chưa nhận được đơn của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào xin phép được sử dụng các đoạn đê để đi lại, vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm của cá lồng. Ông Bậc khẳng định tất cả các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh đều vi phạm Luật Đê điều. Hằng năm, chi cục đều có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy định. Với các hộ vi phạm, Hạt Quản lý đê các huyện, thị xã, thành phố đều lập biên bản và gửi cho chính quyền địa phương.

Ngoài các cơ quan trên, người nuôi còn phải xin phép các đơn vị quản lý các tuyến sông. Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Nhuần, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 7 cho biết, trước năm 2014, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước và đã cho phép một số hộ sử dụng các đoạn sông để đặt lồng phù hợp với quy định. Từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã cổ phần hóa, vì vậy không còn chức năng quản lý nhà nước nên không thực hiện việc này. Nếu người dân muốn nuôi phải xin phép Chi cục Quản lý đường thủy nội địa dưới Hải Phòng.

Khi được hỏi về thủ tục cấp phép nuôi cá lồng, ông Đào Văn Đại Hùng ở thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (Thanh Hà) cho biết: "Trước đây, khu vực này chỉ có 2-3 hộ nuôi, nhưng hiện nay có khoảng 15 hộ với gần 200 lồng cá. Để được cắm lồng bè ở khúc sông này, chúng tôi đã xin phép chính quyền xã và Đoạn Quản lý đường sông số 7 trước đây chấp thuận cho nuôi. Có một số cán bộ của ngành nông nghiệp xuống hướng dẫn làm thủ tục để cấp phép cá lồng, nhưng chúng tôi vẫn chưa làm vì chưa có kinh phí".

Nguy cơ mất an toàn
Do quản lý chưa chặt chẽ, cộng với lợi nhuận mà cá lồng mang lại dẫn đến người dân ồ ạt phát triển số lượng lồng nuôi. Khi mật độ đặt lồng lớn, nhiều hộ chưa tính toán được khoảng cách giữa các lồng, cụm đặt lồng, cá nuôi có nguy cơ dịch bệnh cao do lắng đọng chất thải, thức ăn thừa của cá. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số người nuôi chạy theo phong trào, chưa trang bị đủ kiến thức về quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá. Nhiều hộ nuôi chưa có ý thức giữ gìn môi trường, không thu gom và xử lý cá chết theo đúng quy trình mà lại sử dụng cá chết làm thức ăn cho cá, dễ lây lan dịch bệnh. Việc phát triển ồ ạt cũng dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, sản phẩm bị ép giá khi thu hoạch.
Trong mùa mưa bão năm 2015, lồng cá của gia đình ông Nguyễn Trung Tựu (xã Nam Tân) và anh Nguyễn Hữu Toản (xã Thanh Quang) cùng ở huyện Nam Sách và một số hộ dân khác đã bị trôi sông, thiệt hại hàng tỷ đồng. Tháng 10.2015, Trung Quốc xả lũ bất thường làm nước sông Kinh Thầy, Thái Bình có lượng phù sa tăng khiến cá lồng của một số hộ dân ở các xã Nam Tân (Nam Sách) và Nam Đồng (TP Hải Dương)... bị chết.

Bà Mạc Thị Múc ở thôn Đồng Ngọ, xã Nam Đồng (TP Hải Dương) cho biết: “Mùa mưa bão nước chảy xiết mang theo nhiều rác, lượng phù sa trên thượng nguồn cộng với lượng chất thải tồn đọng trong lồng nên cá nuôi thường không kịp thích ứng với môi trường, dễ bị dịch bệnh. Hầu như năm nào cá cũng chết rải rác”.

Để khắc phục tình trạng nuôi cá lồng không phép và bảo đảm an toàn cho người nuôi, bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong cấp phép cho những hộ có nhu cầu nuôi mới. Đối với những hộ nằm trong quy hoạch, cần hướng dẫn họ hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục cấp phép theo quy định. Đối với những hộ không nằm trong quy hoạch, vi phạm các quy định về quản lý đường sông, đê điều, cần có biện pháp nghiêm cấm, không cho tiếp tục nuôi.

1 nhận xét: